8/29/2022

Nửa năm cuộc chiến Nga - Ukraine

 Cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài đã tròn nửa năm với bao mất mát, đau thương nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi cả hai vẫn giằng co ở nhiều nơi.

Sau ngày 24-2, thời điểm Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, có lẽ không nhiều người nghĩ cuộc xung đột này sẽ kéo dài đến tận lúc này. Tới hôm nay 24-8, chiến sự đã kéo dài sáu tháng và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.

Ai được, ai mất?

Sau sáu tháng chiến sự, các lực lượng Nga về cơ bản đã đạt được một số thành công nhất định trong chiến dịch quân sự đặc biệt này. Trong những tháng đầu đưa quân vào Ukraine, Nga dễ dàng chiếm được nhiều khu vực, như TP Kherson (tỉnh Kherson), TP Melitopol (tỉnh Zaporizhia) và tỉnh Mariupol.

Vào thời điểm này, thật khó để biết được kết quả sẽ ra sao. Cuộc chiến tiêu hao ở Donbass cũng khó tạo nên chiến thắng rõ ràng nào cho cả hai bên. Nga và phần lớn thế giới đã đánh giá quá thấp sức chịu đựng và năng lực chiến đấu của Ukraine.

Ông CHRIS MILLER, chuyên gia lịch sử quốc tế tại ĐH Tufts (Mỹ)

Đến những tháng gần đây, quân Moscow tập trung mở rộng phần lãnh thổ do Nga kiểm soát ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine). Đầu tháng 7, phía Nga tuyên bố kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk, sau khi chiếm được TP Lysychansk - thành trì cuối của Ukraine tại Luhansk và tiến quân sang tỉnh Donetsk - một trong những nơi giằng co giữa hai lực lượng suốt mấy tháng qua.

Theo báo cáo của Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine, quân Nga dàn trận khắp Donetsk, tấn công dồn dập khu vực từ nhiều hướng, với các điểm chủ chốt là các TP Bakhmut, Kramatorsk, Avdiivka và Slovyansk. Bộ này cho biết Nga đã triển khai hàng loạt khí tài hạng nặng như đại bác, xe tăng, rocket tấn công các vị trí của quân Ukraine nhằm cải thiện vị trí chiến thuật của Moscow cũng như cắt tuyến liên lạc của Kiev, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.

Các tỉnh Kharkiv, Chernihiv, Sumy, Zaporizhia... cũng là những khu vực nằm trong tầm ngắm của các lực lượng Nga. Tuy vậy, có vẻ như quân Nga vài tháng trở lại đây không có bước tiến lớn trên chiến trường Ukraine, khi đà tiến của Moscow hiện chỉ tính bằng centimet chứ không phải bằng mét, theo tờ The New York Times. Ukrinform thì đưa tin rằng mọi nỗ lực của Nga ở các khu vực trên đều không thành công và bị các lực lượng Kiev đẩy lùi.

Một trong những điểm nóng hiện nay là Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia). Nhiều tuần qua Nga và Ukraine liên tục lời qua tiếng lại cáo buộc nhau pháo kích nhà máy, làm dấy lên nguy cơ về một thảm họa hạt nhân ảnh hưởng một loạt quốc gia lân cận.

Có thể thấy rằng dù ai thắng ai thua, chiến tranh vẫn mang đến nhiều đau thương, thiệt hại. Tính đến ngày 10-6, giới chức Ukraine cho biết họ đã mất đến 10.000 binh sĩ. Số liệu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) tính tới ngày 19-8 cho thấy hơn 5.500 dân thường Ukraine thiệt mạng, gần 7.700 người bị thương, hơn 13 triệu người di tản.

Nga đã ngừng công bố số binh sĩ thương vong kể từ cuối tháng 3 (số liệu thời điểm đó là 1.351 lính tử trận và 3.825 lính bị thương). Tuy vậy, phía Ukraine hiện nói rằng đã tiêu diệt khoảng 44.700 lính Nga, trong khi hôm 8-8, ông Colin Kahl - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc ước tính khoảng 70.000-80.000 lính Nga thương vong, theo The New York Times.

Lính Ukraine bắn lựu pháo M777 của Mỹ từ tỉnh Kharkiv

Viễn cảnh sắp tới thế nào?

Theo The New York Times, con đường nhanh nhất và ít đẫm máu nhất để chấm dứt xung đột là thông qua một thỏa thuận với các điều khoản dễ chấp nhận với cả hai bên.

Tuy nhiên, viễn cảnh này hiện khá mù mờ khi tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow quyết tâm “loại bỏ” chính quyền Ukraine. Phía Kiev cũng không có ý định nhượng lãnh thổ mà quyết tâm giành lại những phần đất mà Nga đang kiểm soát. Giới quan sát cho rằng Ukraine hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu này nhờ vào sự yểm trợ đắc lực của các hệ thống tên lửa tầm xa phương Tây viện trợ. Trong bài bình luận trên tờ The Conversation, bà Anicée Van Engeland - GS luật và an ninh quốc tế tại ĐH Cranfield (Anh) nhận định chiến trường Kherson có thể là điểm mấu chốt trong chiến lược phản công giành lại đất của Kiev.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Ukraine đang thay đổi chiến thuật ở miền Nam. Theo đó, các lực lượng Kiev hạn chế đối đầu trực tiếp với Nga, mà nhắm mục tiêu vào tuyến tiếp tế và hậu cần của Moscow. Trả lời phỏng vấn đài Radio Liberty, ông George Barros - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ nói rằng dường như Ukraine áp dụng chiến lược tương tự ở đảo Rắn. Ukraine đã liên tục pháo kích kho khí tài Nga, khiến Moscow tổn thất đến mức phải từ bỏ hòn đảo để bảo toàn đạn dược.

Phản công ở Kherson thành công sẽ mở ra cánh cửa cho Ukraine tiến tới tái chiếm các vùng đã rơi vào tay Nga và các lực lượng thân Nga, song rủi ro không phải là không có.

Theo ông Richard Barrons - cựu sĩ quan Lục quân Anh, rất có thể Nga sẽ tuyên bố các vùng lãnh thổ họ giành được là “một phần của nhà nước Nga” trước cuối năm nay. Trong viễn cảnh này, nếu Ukraine thọc sâu vào các khu vực mà Nga cho là “dưới chủ quyền Nga” thì khả năng cao Tổng thống Vladimir Putin sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Mặt khác, ông James Stavridis, Đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, cựu Tư lệnh tối cao quân đội Mỹ và NATO ở châu Âu, cho rằng viễn cảnh ông Putin triển khai vũ khí hạt nhân dường như xa vời, bởi ông có một con bài khác ít rủi ro hơn mà vẫn khiến Ukraine và phương Tây thấp thỏm, đó chính là vũ khí hóa học.

Vai trò của phương Tây đối với cuộc chiến

Một số nhà phân tích tin rằng việc phương Tây liên tục viện trợ cho Ukraine khiến xung đột ngày càng leo thang. Ông Samuel Charap (chuyên gia khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND Corporation có trụ sở tại Mỹ) và ông Jeremy Shapiro (Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại - tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu) có bài viết trên The New York Times nhận định về vấn đề này.

Hai chuyên gia lập luận rằng nếu không muốn xung đột Nga - Ukraine lan rộng thành chiến tranh giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì Mỹ và đồng minh cần phải thúc đẩy Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Theo quan điểm của hai chuyên gia, con đường dẫn đến một lệnh ngừng bắn sẽ đòi hỏi phải mở các kênh liên lạc với Nga, từ đó mở ra cơ hội thỏa hiệp, giúp tìm ra lối thoát cho cuộc chiến dài hơi này.

Trên tờ The National Interest, ông Steven Simon (GS quan hệ quốc tế tại ĐH Colby - Mỹ) và ông Jonathan Stevenson (chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - IISS) nhận định rằng bằng cách chuyển viện trợ quân sự thành nỗ lực ngoại giao, các đồng minh của Ukraine có thể thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa Moscow và Kiev.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét