8/19/2022

TQ: Phát hiện mới gây kinh ngạc về quá khứ của vùng sông Dương Tử

 Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Trung Quốc công bố cung cấp bằng chứng cho thấy, có một sự thay đổi to lớn trên bề mặt Trái đất ở vùng sông Dương Tử.

Tàu hàng di chuyển qua sông Dương Tử ở Trùng Khánh.


Dương Tử, con sông dài nhất ở châu Á, chảy từ dãy Himalaya tới Thái Bình Dương, hình thành một lưu vực màu mỡ ở phía nam Trung Quốc, nơi sản xuất khoảng 70% lượng gạo của nước này.

Nhưng theo phát hiện mới của một số nhà địa chất, vùng lưu vực sông Dương Tử, nơi sinh sống của một phần ba dân số Trung Quốc, cách đây 438 triệu năm trước là biển.

Một nghiên cứu mới được công bố về hóa thạch của một loài cá đã cung cấp bằng chứng củng cố nhận định này, theo SCMP.

“Sự tồn tại của biển Dương Tử là có thật, được xác nhận bởi nhiều bằng chứng khoa học”, Gai Zhikun, giáo sư Học viện Khoa học Trung Quốc, ngày 17/8 cho biết.

Ông Gai và các cộng sự đã phân loại và so sánh các hóa thạch cá được thu thập từ khắp Trung Quốc. Phát hiện của nhóm nghiên cứu về các hóa thạch thu thập từ vùng Dương Tử được công bố trên Tạp chí Địa tầng học.

Các hóa thạch được bảo tồn trong lớp đá trầm tích được gọi là các lớp đá đỏ - sở dĩ có màu đỏ bởi khoáng vật haematit - hình thành trong kỷ Silur, thời kỳ địa chất kéo dài từ khoảng 443 đến 419 triệu năm trước.

Tất cả các hóa thạch đều thuộc cùng một loài thời tiền sử xuất hiện vào đầu kỷ Silur và tiến hóa nhanh chóng. Đó là loài cá giáp mũ. “Chúng là loài cá bơi kém, sống ở vùng biển nông”, ông Gai nói.

Các lớp đá đỏ hình thành ở vùng nước nông. Khi nước biển rút đi, các mảnh vụn mịn chứa haematit tích tụ dưới đáy biển và cuối cùng được lưu giữ trong trầm tích.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc kết luận rằng, phát hiện hóa thạch cá và sự tồn tại của các lớp đá đỏ đã chứng minh rằng vùng Dương Tử từng là một vùng biển trong thời kỳ đầu của kỷ Silur.

Các vùng khác ở Trung Quốc cũng rất khác biệt trong giai đoạn này, theo nhóm nghiên cứu. Các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy biển Dương Tử được bao quanh bởi bốn mảng kiến tạo cổ.

Trải qua thời gian, biển ở vùng này đã mất đi do chuyển động của các mảng kiến tạo này. Vùng Dương Tử dần dần nổi lên và nước biển rút đi sau kỷ Silur.

Ông Gai nói sự phát triển ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã giúp ích cho nghiên cứu, khi các khu vực trước đây là nơi cây cối bao phủ, nay được phát quang để phục vụ xây dựng, để lộ nhiều hóa thạch quan trọng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét