11/27/2022

Thế giới chúng ta sinh ra từ một tia vũ trụ "tử thần"?

 Một nghiên cứu mới dựa trên vườn ươm sao thuộc thiên hà lân cận M33 và những tia vũ trụ "sinh ra từ cõi chết" đã góp phần trả lời câu hỏi muôn thuở: ''Chúng ta đến từ đâu?".

Theo SciTech Daily, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Đài thiên văn vô tuyến Quốc gia (Mỹ) đã sử dụng kính viễn vọng Karl G. Jansky Very Large Array (VLA) của Quỹ khoa học Quốc gia Mỹ để tìm ra thứ gì đã kích hoạt quá trình hình thành sao trong thiên hà M33.

Gió vũ trụ thường được xem là yếu tố bất lợi cho các môi trường hình thành sao bởi có thể thổi bay những khí cần thiết. Tuy nhiên, các tia vũ trụ vẫn có thể đóng góp nhỏ cho sự hình thành sao, nhất là trong những thế giới đang hoạt động mạnh mẽ như M33.

Thiên hà M33

"Chúng tôi đã thấy những cơn gió vũ trụ do các tia vũ trụ điều khiển trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) và thiên hà Andromera (Tiên Nữ), những thiên hà có tốc độ hình thành sao yếu nhưng chưa từng thấy trong một thiên hà như M33" - Tiến sĩ Fatemah Tabatabaei từ Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản ở Iran cho biết.

Họ phát hiện ra một cơ chế đặc biệt: Những ngôi sao lớn hơn nhiều so với Mặt Trời của chúng ta tăng tốc trong vòng đời của chúng, cuối cùng phát nổ dưới dạng siêu tân tinh. Các tia vũ trụ tử thần được tạo ra khi sóng xung kích từ các siêu tân tinh này bùng nổ, tăng tốc các hạt gần bằng tốc độ ánh sáng.

Nếu có đủ các tia vũ trụ dạng này, áp suất có thể được tạo ra để đẩy gió vận chuyển khí cần thiết cho sự hình thành sao.

Như vậy, nhiều vụ nổ siêu tân tinh và tàn dư siêu tân tinh trong các phức hợp hình thành sao khổng lồ đã tạo ra những tia vũ trụ - dù sinh ra từ cõi chết, nhưng đóng vai trò khai sinh ra các thế giới mới như vậy.

Những yếu tố nào kích hoạt sự hình thành sao từ những đám mây khí bụi vẫn là một câu hỏi lớn thú vị đối với các nhà thiên văn, bởi đó khởi đầu cho một "hệ Mặt Trời" mới, nơi có cơ hội sinh ra những hành tinh bao gồm các hành tinh sống được như Trái Đất.

Nghiên cứu vừa được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét