Các quốc gia EU nhỏ hơn đang phải chịu “đánh mất tự do và phải chịu sự bất bình đẳng” trong khối, Ngoại trưởng Ba Lan tuyên bố.
Trong tuyên bố đăng tải trên tờ Rzeczpospolita, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) không tránh khỏi “khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc”.
Đức là một trong những nước EU đứng sau “khát vọng đế quốc này”, ông Rau cho biết trong bài báo đăng ngày 22/8.
Ông Rau nhắc đến việc các quốc gia lớn hơn trong EU "chi phối, áp đặt, coi thường lợi ích và nhu cầu của các nước nhỏ hơn, không lắng nghe lời nói của các nước nhỏ trong EU", mô tả hành vi này là một phần của" khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc".
Ngoại trưởng Ba Lan cho rằng, EU hầu như chỉ đáp ứng "nguyện vọng của các quốc gia thành viên hàng đầu". Ông kêu gọi sự cải cách trong nội bộ EU, tăng cường vai trò của các nước thành viên nhỏ hơn trong khối.
Ông Rau nhắc đến sự bất bình đẳng khi EU quy định lá phiếu của các quốc gia đông dân hơn có sức nặng hơn so với các quốc gia ít dân trong khối. "Các quốc gia vừa và nhỏ đang phải cam chịu trong khối, ngay cả khi lợi ích hoặc nhu cầu thiết yếu của các nước này bị ảnh hưởng", ông Rau nói thêm.
"Các nước lớn ở EU như Đức có lợi thế vượt trội về kinh tế và dân số, nghĩa là có quyền bỏ phiếu với sức mạnh chi phối các quyết sách của EU, trong khi các nước nhỏ không thể đối trọng lại", ông Rau nói.
Ông Rau nêu ví dụ về chính sách khí đốt của Đức liên quan đến đường ống Nord Stream trong quá khứ, khiến toàn bộ EU phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga.
Khi lưu lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream bị gián đoạn, EU đang rơi vào khủng hoảng năng lượng, khiến các quốc gia thành viên phải cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt.
"Các nền kinh tế lớn ở châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga bất chấp những rủi ro an ninh với một số nước thành viên EU khác và Ukraine", ông Rau nói thêm.
Theo ông Rau, quy định yêu cầu EU cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt cũng bắt nguồn từ Đức, dù không phải nước thành viên EU nào cũng đồng tình.
Ngoại trưởng Ba Lan yêu cầu Đức kiềm chế các tham vọng kinh tế và chính trị để tránh "gây ảnh hưởng đến các nước khác".
Ba Lan đã ngừng mua khí đốt trực tiếp từ Nga. Thay vào đó, nước này đã mua khí đốt Nga thông qua nhiều nước EU khác, trong đó có Đức.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan cũng tích cực gửi xe tăng, vũ khí cho quân đội Ukraine và yêu cầu các nước thành viên như Đức gửi vũ khí thay thế để bù đắp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét