9/01/2022

Mỹ thay đổi chiến lược, hỗ trợ Ukraine vũ khí nhiều hơn những gì công bố?

 Mỹ có thể đã thay đổi chiến lược hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, trong đó không phải mọi vũ khí và đạn dược đều được công bố chi tiết trong các gói hỗ trợ mới nhất.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo phản lực trong giao tranh với Nga.

Loạt vụ nổ bị nghi là do Ukraine gây ra ở căn cứ quân sự Nga trên bán đảo Crimea, cách xa tiền tuyến, được cho dấu hiệu phản ánh chiến lược mới, theo báo Mỹ Politico.

Hôm 19/8, một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận rằng Mỹ đã âm thầm cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM), ví dụ như tên lửa AGM-88, trong một khoảng thời gian dài. HARM là mẫu tên lửa chuyên tìm diệt radar đối phương.

"Khi chúng tôi lần đầu công bố hỗ trợ các tên lửa HARM, không có nghĩa là các tên lửa đó chỉ mới được chuyển cho Ukraine. Chúng tôi có thể đã hỗ trợ tên lửa từ trước theo cách nói là tăng cường năng lực chống radar cho Ukraine", quan chức Mỹ giải thích.

Trong gói hỗ trợ vũ khí mới nhất được công bố vào tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không nhắc đến đạn pháo dẫn đường chính xác M982 Excalibur.

Tuy nhiên, tài liệu do chính quyền gửi tới Quốc hội Mỹ, cho thấy trong gói hỗ trợ trị giá 775 triệu USD có đạn pháo Excalibur. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ không công bố mọi loại vũ khí và đạn dược trong các gói hỗ trợ cho Ukraine, theo Politico. Trên thực tế, loại đạn pháo này đã được đồn đoán cung cấp cho Ukraine từ tháng 7.


Mỹ mới hỗ trợ cho Ukraine đạn pháo dẫn đường chính xác M982 Excalibur.

Theo Politico, có khả năng Mỹ đã âm thầm cung cấp cho quân đội Ukraine mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS khai hỏa từ các hệ thống HIMARS. Mỗi bệ phóng HIMARS có thể mang theo một tên lửa ATACMS, tầm bắn 300km, giúp Ukraine nâng cao đáng kể năng lực tấn công tầm xa.

Báo Mỹ nhấn mạnh rằng cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa chính thức công bố hỗ trợ loại tên lửa tầm xa này cho Ukraine.

Theo chuyên gia Tom Kakako đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chiến lược mới là cách tiếp cận âm thầm hơn của Mỹ.

"Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn nói ít hơn và làm nhiều hơn trên khía cạnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine", chuyên gia Kakako nhận định. "Điều này có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc phán đoán các động thái của Mỹ ở Ukraine".

Kể từ khi Mỹ hỗ trợ Ukraine 16 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, quân đội Nga đã nhiều lần tuyên bố phá hủy các kho chứa đạn rocket sử dụng cho hệ thống này.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã chỉ đạo quân đội ưu tiên nhắm mục tiêu tấn công vào các loại tên lửa tầm xa và pháo binh Ukraine.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét