10/03/2022

Giữa Hà Nội, nuôi cua biển… trong nhà thu trăm triệu

 Mô hình nuôi cua biển trong nhà đã xuất hiện vài năm qua nhưng riêng cua biển lột mai, cua cốm thì gần như chưa có.

Trang trại của anh Nguyên Vũ (SN 1994) đánh dấu mốc thành công đầu tiên của mô hình này.

Ngồi nhà nuôi cua lột

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại chừng 500m2, ngay giữa cánh đồng rau của thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội), anh Vũ bộc bạch: Ý tưởng “startup” của anh xuất hiện khi một lần vào nhà hàng gọi cua biển, thấy gạch cua vàng ruộm, béo ngậy, không ngấy, thịt cua chắc, thơm ngon... Hỏi ra anh Vũ mới biết, nhà hàng… đưa nhầm, bởi giá của dòng cua này gấp đôi cua biển bình thường.

Anh Nguyên Vũ bên cạnh mô hình nuôi cua biển lột của mình tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội)

Sau đó, anh dành chuỗi ngày mày mò trên mạng, diễn đàn để học cách nuôi. Theo anh Vũ, mô hình này hình thành ở Thái Lan nhiều năm nay, song Việt Nam chỉ mới ở công đoạn nuôi cua biển thịt. Còn cua cốm (sắp lột) và cua lột sẽ mất nhiều công sức hơn vì phải canh thời điểm cua sắp lột và đã lột mai không quá 2 - 3 tiếng (vì 4 tiếng, mai mới sẽ cứng lại).

Anh Vũ nhớ lại, khi tìm về các vùng nuôi cua biển như Quảng Ninh, Ninh Bình... nông dân cho biết, cua cốm, cua lột có chất dinh dưỡng cao nhất ở giai đoạn sinh trưởng của con cua, giá trị kinh tế cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, khi nuôi ở đầm, họ không có cách nào chọn từng con cua lột vỏ để thu hoạch. Vì thế, họ thường ước lượng thời gian sinh trưởng và bán xô cả đàn với giá 280 - 300 nghìn đồng/kg.

Thương lái mua về, họ chọn lựa, những con cua lột sẽ bán giá khoảng 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg. Thực tế này đã tiếp lửa để anh quyết tâm với mô hình kinh tế mới hiện nay.

Tại trang trại, 6.000 chiếc hộp nhựa chuyên dụng được xếp thành giàn và đánh số thứ tự bởi mỗi ô sẽ chỉ nuôi một con để tránh việc chúng ăn thịt lẫn nhau.

Hệ thống ống nước để vận hành nước biển nuôi cua được lắp đặt rất công phu, đến từng hộp lồng. Nước từ các hộp nuôi cua liên tục chảy ra theo các đường ống dẫn đến hệ thống bể lọc, trong đó có bể lọc vi sinh xử lý chất thải. Nước sau khi lọc được thu hồi cho bơm trở lại cấp vào đường ống nước dẫn đến các hộp nuôi cua.

Mấu chốt của hệ thống này là hạt kaldnes (như san hô), là nơi cho vi sinh trú ngụ và xử lý chất thải của cua, nhằm giúp môi trường sạch hơn. Sau đó nước được chuyển qua xử lý bằng đèn UV (xử lý tảo và vi khuẩn, nấm...) có tác dụng như mặt trời, mô phỏng theo tự nhiên.

Nghề nuôi cũng lắm công phu

Mỗi con cua biển được nuôi riêng ở một hộp, được cho ăn và kiểm tra hàng ngày

Theo anh Vũ, nước là yếu tố quyết định thành bại của việc nuôi cua biển trong hộp nhựa. “Máy lọc chạy liên tục ngày đêm, thường cứ 4 tiếng sẽ cho máy nghỉ khoảng 15 phút. Nước nuôi cua biển thường xuyên được kiểm tra, mỗi ngày sẽ có ít nhất 3 lần lấy nước nhằm kiểm tra độ pH, độ mặn”, anh Nguyên Vũ nói và cho biết, đây là kinh nghiệm sau nhiều lần nuôi thử nghiệm thất bại.

Thời điểm đó, anh chỉ nuôi mỗi lần khoảng 10 triệu đồng con giống, cua chết đến 98% chỉ sau 7 - 10 ngày nuôi. Mỗi lần thất bại, anh lại kiểm tra nguồn nước, nhờ các chuyên gia sinh học tư vấn chỉ số nào phù hợp với cua và nếu vượt ngưỡng phải xử lý ra sao...

“Lúc đầu cũng hoang mang, vì vốn đầu tư bỏ ra nhiều. Cả trang trại với 6.000 hộp nuôi, mức đầu tư ngưỡng 2 tỷ đồng, dự kiến thu hồi vốn trong 2 năm. Nếu không thành công, 2 tỷ đồng này sẽ khó chuyển đổi mô hình”, Nguyễn Vũ nói và cho biết, nhờ tỉ mỉ tìm hiểu về kỹ thuật lọc nước nên “liều” đầu tư và thử nghiệm lần thứ 3 thì thành công.

Hiện với hơn 1.000 hộp cua đang có, anh Nguyên Vũ cho biết, toàn bộ 50m3 nước biển sử dụng nuôi cua được nhập từ Hạ Long (Quảng Ninh) về Hà Nội, với giá về đến trang trại là 500 nghìn đồng/m3. Lượng hao hụt khoảng 10% mỗi tháng, có thể bổ sung bằng nước ngọt.

Đây là điểm khác với mô hình truyền thống, nuôi ở đầm. Ngoài ra, thay vì chỉ việc đổ thức ăn vào đầm, thì với mô hình này, việc chăm sóc tỉ mỉ, nhiều công đoạn hơn, khi mỗi ngày người nuôi phải mở từng hộp để cho ăn và dọn vệ sinh, cũng như “chẩn đoán” thời gian chuẩn bị lột mai của cua. Và đây cũng chính là ưu điểm để khai thác dòng cua chất lượng cao mà mô hình truyền thống không làm được.

Theo anh Vũ, khi rọi đèn pin, những con cua nào không còn sáng qua mai và có dấu hiệu nứt thì chuẩn bị vào giai đoạn lột. Những con đó sẽ được đưa vào hộp cùng phân khu để dễ theo dõi.

Cua nuôi không đủ bán

Đến nay, mô hình của anh Nguyên Vũ đã hoạt động “êm” khoảng 3 tháng, mỗi tháng xuất bán được 300 - 400kg cua cốm và cua lột, thu về khoảng 250 - 300 triệu đồng, với giá bán trung bình khoảng 700 - 800 nghìn đồng/kg, thậm chí hơn 1 triệu đồng/kg nếu cua to, loại tuyển...

Anh Vũ ước tính, với số vốn nhập hàng khoảng 300 - 400 nghìn đồng/kg cua nhỏ ban đầu (từ 1,8 - 4gram/con), sau 25 ngày đến 1 tháng, có thể thu lợi nhuận khoảng 150 - 180 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi tháng có thể thu về hàng trăm triệu đồng nếu đủ hàng bán.

“Hiện nay, chúng tôi cung cấp không đủ so với nhu cầu đặt hàng từ đối tác, do số lượng nuôi còn hạn chế, vào đàn có thời gian khác nhau nên thu hoạch cũng không cùng thời điểm. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, nuôi phủ 6.000 hộp đã thiết kế”, anh Vũ nói và cho biết, tới đây sẽ nhân rộng mô hình cho nhiều hộ nuôi.

Với tham vọng đó, anh chia sẻ, một số bà con đến tham quan mô hình và mong muốn được hỗ trợ họ kỹ thuật. Nhóm của Nguyên Vũ cũng đã lên ý tưởng và hướng đến tạo thành một hệ sinh thái hợp tác xã.

“Bà con nuôi ở đầm bán giá thấp, lãng phí tài nguyên. 1m2 đất chỉ nuôi được 2 con cua theo kỹ thuật, trong khi 2,8m2 hộp, nuôi được tới 252 con cua”, anh Vũ nói và nhấn mạnh, mô hình mới này rất phù hợp để nhân rộng, bởi vừa có thể phát triển được ở thành phố, vừa giúp bà con tăng thu nhập, lại tạo ra một sản phẩm dinh dưỡng. Khi mô hình càng lớn mạnh, giá thành cũng sẽ giảm, có lợi cho cả người nuôi và người tiêu dùng.

Theo anh Vũ, cua chủ yếu được cho ăn cá và ốc, ngày hai lần. Cua giai đoạn lột ăn hàu cả vỏ, có nhiều canxi để tạo lớp mai mới. Chất lượng thịt cua hiện không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, với chi phí thức ăn trung bình cho mỗi con cua khoảng 1.000 đồng/ngày.

“Chúng tôi cấp hàng cho các hệ thống siêu thị sạch mini như EcoFoods, các nhà hàng cao cấp. Họ biết chúng tôi qua các mối quen biết và phần lớn nhờ quảng bá qua mạng. Thời điểm xây dựng mô hình, chúng tôi đã chi khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng để khách hàng biết đến mặt hàng này và khi có hàng, chúng tôi không mất nhiều công sức mời chào”, anh Vũ cho hay.

Ông Chu Huy Hoàng, Chủ tịch chuỗi siêu thị thực phẩm sạch EcoFoods, một đơn vị phân phối sản phẩm cua cốm, cua lột của trang trại Nguyên Vũ rất tâm đắc với sản phẩm này bởi ngoài giá trị hàm lượng dinh dưỡng cao, cua cốm không phải bỏ đi phần nào, thịt chắc nịch, trong khi cua thịt mất gần một nửa trọng lượng là vỏ. Sản phẩm lại dễ dàng mua được ngay tại Hà Nội mà không cần vận chuyển xa.

Việc này giúp hải sản đảm bảo tươi ngon, khắc phục được nhược điểm lớn nhất là phải vận chuyển xa từ vùng biển về, mà sản phẩm này nhiều đạm, vỏ mỏng, rất dễ phân hủy và vỡ ra nếu quá thời gian hoặc rung lắc mạnh trên đường”, ông Hoàng nói và cho biết, dù mới tiếp cận dòng sản phẩm này chỉ một thời gian ngắn nhưng lượng khách hàng của EcoFoods đã ổn định và hiện trang trại vẫn chưa cấp đủ so với nhu cầu.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét