10/28/2022

Kinh tế Mỹ tăng trưởng vì lý do lạ

 Số liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý III vừa qua. Tuy nhiên khi nhìn sâu hơn vào dữ liệu, nhiều nhà phân tích cho rằng kết quả này không hề lạc quan như nhiều người nghĩ.

Theo đó, GDP của Mỹ, thước đo phổ biến nhất của tăng trưởng kinh tế, đã tăng 2,6% trong quý III, bất chấp những lo ngại về lạm phát và suy thoái. Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng khẳng định đây là bằng chứng cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm giúp thâm hụt thương mại của Mỹ giảm đáng kể, cộng thêm tới gần 2,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Nghĩa là nếu không có yếu tố này, nền kinh tế Mỹ sẽ không có tăng trưởng.

Theo Bill Adams, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Comerica, sự gia tăng xuất khẩu là kết quả của chuỗi cung ứng và Mỹ đã chuyển khối lượng kỷ lục dầu, các thành phẩm liên quan đến dầu cũng như khí đốt đến châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng của lục địa này. Trong khi đó sụt giảm nhập khẩu là do người Mỹ ít chi tiêu hơn cho hàng hóa, còn các nhà bán lẻ giảm chi tiêu do tồn kho và lo ngại suy thoái.

Và đây cũng chính là điểm mấu chốt trong số liệu GDP lần này. Nhà kinh tế trưởng Eugenio Alemán của Raymond James cho biết “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu, nhưng một lần nữa, con số GDP cuối cùng đang che giấu nhiều điểm yếu, FED nên xem xét số liệu này một cách thận trọng".

Đặc biệt ông Alemán nhấn mạnh GDP hai quý trước đó của Mỹ bị kéo tụt bởi thâm hụt thương mại, một sự trái ngược với quý III vừa qua. Và theo nhiều chuyên gia, thâm hụt thương mại giảm sẽ chỉ là hiện tượng đơn lẻ và không tiếp diễn trong các quý tới. Theo đó, xuất khẩu sẽ sớm giảm và nhu cầu nội địa tiếp tục bị đè xuống bởi lãi suất cao.

GDP quý III của Mỹ được kéo lên bởi thâm hụt thương mại giảm mạnh, trái ngược với hai quý trước đó

Các xu hướng nền tảng của các hoạt động kinh tế tiếp tục chậm lại. Doanh số cuối cùng cho người tiêu dùng nội đị chỉ tăng 0,1%, giảm so với cả hai quý trước. Đầu tư tư nhân giảm tới 26,4% khi lãi suất cao tiếp tục giáng đòn mạnh lên thị trường bất động sản. Và cuối cùng, tỷ lệ tiết kiệm, đo lường thu nhập khả dụng người tiêu dùng có thể giữ lại, cũng giảm xuống gần mức thấp kỷ lục năm 2005.

Theo các chuyên gia, các chỉ số trên cho thấy Mỹ đang trải qua thời kỳ “suy thoái tăng trưởng”, nghĩa là tăng trưởng GDP vẫn dương nhưng hoạt động dưới mức tiềm năng. Và vào tối nay, giới phân tích cũng như các nhà đầu tư sẽ đón nhậm thêm một số liệu quan trọng nữa của nền kinh tế số 1 thế giới là lạm phát và tiếp tục chờ đợi các động thái từ FED.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét