Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các tập đoàn đa quốc gia cũng tung ra các dòng hàng bình dân để giữ chân khách hàng
Đứng trước những biến động lớn liên quan đến tỉ giá, lãi suất và rủi ro lạm phát... có thể khiến sức mua giảm sút, nhiều doanh nghiệp (DN) chủ động tiết giảm chi phí để không tăng giá sản phẩm, giảm áp lực cho người tiêu dùng và kích thích nhu cầu mua sắm cuối năm.
Rục rịch tung sản phẩm mới
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết các DN ngành đồ uống gặp nhiều khó khăn do nguyên vật liệu đầu vào tăng, kéo giá thành sản phẩm tăng theo, trong khi thu nhập của người tiêu dùng giảm dẫn đến sức mua không tốt như kỳ vọng...
"Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng cố gắng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Mùa Tết là thời điểm thích hợp nhất để tung sản phẩm mới, vừa đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng vừa dễ tạo doanh thu" - ông Hiến bộc bạch.
Cụ thể, Bidrico chuẩn bị ra mắt sản phẩm nước tăng lực cà phê dành riêng cho thị trường Tết, dự kiến không chỉ có mặt trên quầy kệ siêu thị, các cửa hàng, đại lý chuyên phân phối thức uống mà còn phục vụ nhu cầu biếu tặng, làm quà Tết của người tiêu dùng. "Từ nay đến Tết, công ty cố gắng giữ ổn định giá, đẩy mạnh phối hợp với các kênh phân phối chạy chương trình khuyến mãi để kích thích sức mua" - ông Hiến thông tin.
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng vừa ra mắt sản phẩm giò sụn ớt xiêm xanh - sự kết hợp từ ớt xiêm, thịt heo, sụn gà tạo nên món ăn giòn tan, sừng sực, thoang thoảng vị the kích thích vị giác rất thích hợp dùng trong dịp Tết. "Ngoài giò sụn ớt xiêm xanh, Tết này công ty còn có thêm dồi sụn, xúc xích sụn để phục vụ nhu cầu trải nghiệm đa dạng ẩm thực của khách hàng" - ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho hay.
Cũng theo ông Dũng, nắm bắt xu hướng gần đây, Vissan đã tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm heo, một mặt tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn, một mặt tìm doanh thu từ các sản phẩm giá trị gia tăng này (thay vì bán phụ phẩm ra thị trường).
Trong khi đó, Công ty Sản xuất Bột Quốc tế (Intermix) đang tích cực quảng bá cho sản phẩm mì tươi thượng hạng Yon Yon. Vốn nổi tiếng với các loại bột thương hiệu Mikko, Hương Xưa, từ sau dịch COVID-19, Intermix nhập dây chuyền công nghệ từ Nhật, nhận chuyển giao công nghệ để chính thức lấn sân sang lĩnh vực khác từ nguyên liệu bột mì.
"Một gói mì 150 g khi luộc chín có thể dùng cho gia đình 4 người, giá chỉ 15.000 đồng. Sản phẩm bước đầu phân phối tại kênh truyền thống và bạn bè, DN ủng hộ, mua làm quà tặng đối tác, khách hàng" - bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Intermix, thông tin.
Ưu tiên số 1 vẫn là giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), cho hay thời điểm này ông chào hàng quà Tết cuối năm và nhận thấy khách rất quan tâm về giá. Những đơn hàng chốt được thường ở mức giá vừa phải từ 100.000 - 150.000 đồng/suất gồm các sản phẩm thiết thực như: dầu ăn, nước mắm, bột ngọt.
"Chúng tôi là đơn vị cung cấp nước mắm truyền thống và sản phẩm đang được chọn nhiều là loại can nhựa 2 lít, giá tầm 85.000 đồng. Bao bì cho túi quà với giá từ 500 - 1.000 đồng có in tên đơn vị tặng chứ không cần cầu kỳ. Thông thường, khách hàng có nhu cầu, chúng tôi đều cố gắng có giải pháp quà tặng phù hợp nhưng nếu đơn giá quá thấp thì không thể làm được" - ông Lê Anh bày tỏ.
Ông Lê Anh cũng cho biết DN điều chỉnh quy cách đóng gói cho một số nhóm khách hàng cụ thể để tiết giảm chi phí. "Ví dụ, đối với mặt hàng ruốc (chà bông) tôm cung cấp cho trường mầm non, thay vì dùng loại chai thủy tinh như hàng ở kênh bán lẻ, chúng tôi chuyển qua dạng túi zip có giá thành thấp hơn. Bao bì đơn giản có bất tiện là chà bông phải dùng ngay và điều này thì các trường làm được nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm" - ông Lê Anh nói.
Cũng để tiết giảm chi phí, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods, TP HCM), cho biết Tết này sẽ là lần đầu công ty tung ra sản phẩm mới cho kênh bán lẻ truyền thống thay vì tập trung vào các kênh bán lẻ hiện đại.
"Chúng tôi sẽ bán mắm tôm, mắm ruốc, mắm nêm, ớt xay, nước mắm pha sẵn... cho người đi chợ, người mua hàng ở các kênh truyền thống. Riêng sản phẩm cà pháo, sản phẩm tiêu biểu của Sông Hương Foods thì chưa thể ra kênh truyền thống được vì vướng vấn đề bảo quản" - ông Tuấn cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, xu hướng chính hiện nay là người tiêu dùng không chỉ Việt Nam mà trên thế giới quay về các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản để ứng phó với giai đoạn kinh tế khó khăn.
"Trừ giới siêu giàu, đa phần người tiêu dùng đều đang phải tiết kiệm, họ quan tâm sản phẩm thiết thực, giá rẻ và có thể bỏ qua những yêu cầu về sự tinh tế, thẩm mỹ... Do đó, nhà sản xuất phải làm sao có sản phẩm với chi phí tối ưu cho người tiêu dùng. Nếu không thể giảm giá sản phẩm thì có thể ra sản phẩm mới tương tự, đóng gói đơn giản hơn để có giá rẻ hơn. Đây là cách mà các nhà bán lẻ đã làm đối với hàng nhãn riêng của họ.
Mặc dù dòng sản phẩm này có lợi nhuận rất thấp, thậm chí không có lời nhưng DN vẫn phải tung ra để tồn tại trong giai đoạn này, tránh việc thị phần rơi vào tay đối thủ. Không chỉ DN trong nước mà các tập đoàn đa quốc gia cũng phải ra các dòng hàng bình dân để giữ chân khách hàng" - chuyên gia Đỗ Hòa phân tích.
Theo Sở Công Thương TP HCM, các DN đã có kế hoạch chuẩn bị gần 40.000 tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023. Trong tháng 10 và 11, sở cùng các sở, ngành sẽ làm việc với các DN nắm lại kế hoạch sản xuất, chuẩn bị số lượng hàng hóa. Từ ngày 15-11 đến 15-12, chương trình "Tháng khuyến mãi tập trung" sẽ được tổ chức với hàng loạt hoạt động khuyến mãi, giảm giá (mức giảm giá có thể lên đến 100%).
Cũng khoảng giữa tháng 11-2022, Sở Công Thương TP HCM sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành để giới thiệu hàng mới, hàng đặc sản, tiềm năng, có chất lượng, giá cả phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét